Khác biệt văn hóa thường ngày giữa Việt Nam và Nhật Bản

28/08/2023Bình luận,Cách suy nghĩ,general

Nguyên nhân của sự khác nhau văn hóa

Khoảng cách địa lí

Dù cùng thuộc Châu Á, nhưng Việt Nam và Nhật Bản ở cách nhau tới khoảng 4000km, khoảng cách địa lí này làm nên sự khác nhau trong cả văn hóa và thói quen sinh hoạt của con người 2 quốc gia này.

Ngoài ra, Nhật Bản khác với các nước khác trong khu vực Châu Á là quốc đảo nằm tách biệt giữa Thái Bình Dương, độc lập về mọi mặt từ thời xa xưa.

Khoảng cách về địa lí thực sự là một bức tường rất lớn ngăn cản sự giao thương văn hóa giữa quốc gia và quốc gia, cũng vì thế và từ xa xưa, Nhật Bản mang trong mình một nền văn hóa độc tôn ít có quốc gia nào so sánh được. Có thể nói nó ít và hầu như không bị hòa lẫn với các nền văn hóa du nhập từ các đất nước khác.

Khoảng cách ngôn ngữ

Điều này thì dễ hiểu thôi vì Nhật Bản pha trộn hán tự và chữ viết của chính Nhật Bản để tạo ra một ngôn ngữ của riêng đất nước mình. Tiếng Nhật khác với tiếng Việt hay iếng Anh, và tiếng Trung Quốc. Đó cũng là một rào cản vô hình khác trong việc hấp thu và cảm thụ văn hóa các quốc gia khác.

Khác biệt văn hóa thường ngày

Nếu chỉ tiếp xúc với một hoặc hai người Nhật thì bạn sẽ khó tìm thấy những khác biệt đặc trưng trong cuộc sống hàng ngày giữa người Việt và người Nhật. Nhưng riêng tôi thì có cái nhìn khá chính xác về sự khác nhau này với lợi thế đã kết hôn với người Nhật được gần 4 năm.

Có thể xem đây những điều kì lạ, những tập quán và thói quen khó hiểu nhưng thực sự, bạn nên tôn trọng và cố gắng hiểu nó.

Nói thêm là những thông tin dưới đây ngoài việc tự tôi sưu tầm tổng hợp thì có một số là do chồng tôi (người Nhật) chia sẻ. Và vì anh ấy cũng chỉ là một cá thể nhỏ xíu trong nước Nhật thôi nên các bạn hãy xem như tham khảo nhé.

Cháo

Mình thích ăn cháo, cả cháo lòng, cháo thịt bò, cháo gà cháo vịt. Các loại cháo đều rất dễ ăn. Cũng có lẽ vì lúc nhỏ đã được cho ăn dặm là cháo, những lúc ốm vặt cũng được cho ăn cháo. Lớn lên rồi cũng thích ăn cháo kể cả không đau bệnh gì. Người Việt Nam có lẽ cũng xem cháo như một món ăn chính dễ nuốt và ngon miệng.

Người Nhật Bản thì khác, họ chỉ ăn cháo khi bị bệnh, và thường là cháo trắng nêm chút muối ăn với trái mơ ngâm muối. Khi thấy tôi thường ăn cháo chồng tôi cũng tỏ ra ngạc nhiên nhiều lần vì không bệnh mà sao lại ăn cháo …

Hẳn một thời gian thì anh ấy mới có thể quen được với việc ăn cháo như một bữa ăn chính. Tuy nhiên, hoàn toàn không thích và không muốn ăn nếu không bị tôi ép buộc 🙂

 Lẩu

Lẩu là món ăn khá quen thuộc ở Việt Nam, đặc biệt là miền Nam. Người ta ăn lẩu như món ăn chính bao gồm bún và nước soup ăn kèm. Thêm rau và cá tôm hay nấm, món lẩu thường là lựa chọn của nhiều đối tượng người Việt khi họp mặt bạn bè hay đơn thuần là bữa tối cho gia đình.

Đặc trưng món lẩu thường là ăn trực tiếp từ bếp gas mini để tại bàn. Đó là lí do, khi ăn lẩu thường sẽ khá nóng từ bếp gas và nóng từ các nồi soup sôi sùng sục nữa. Và người Nhật tỏ ra ngạc nhiên khi ở Hồ Chí Minh thường nóng như thế này nhưng các bạn vẫn ăn lẩu bình thường và vừa chảy mồ hôi, vừa hít hà ăn ngon miệng. Ở Nhật Bản, các món lẩu thường được ăn vào mùa đông, khi ngoài trời lạnh tanh thì các nồi lẩu bốc hơi nóng làm người ta ăn với cảm giác ngon miệng và ấm áp.

Mà thôi, xứ mình nóng quanh năm, đợi tới khi lạnh mới ăn lẩu thì chắc đợi tới già cũng chưa tới nhỉ 🙂

Đeo hoa tai

Một tập quán rất đặc thù ở Việt Nam có từ rất lâu đời đó là đeo hoa tai cho bé gái. Và việc bấm lỗ tai cho bé gái được thực hiện rất sớm, khoảng sau khi bé gái sinh ra đời được vài tuần hoặc vài tháng. Vì khi còn nhỏ việc bấm lỗ tai sẽ dễ dàng hơn khi lúc lớn lên. Việc bấm lỗ tai từ rất sớm như thế này cho bé gái được cho rằng là việc chuẩn bị để mang hoa tai nhà chồng trao khi kết hôn. Phong tục đám cưới ở Việt Nam thường sẽ có phần trao lễ vật từ nhà trai, và lúc đó thường thì cô dâu sẽ được cha mẹ chồng mang cho đôi hoa tai làm quà cưới.

So với phong tục lâu đời đó của Việt Nam thì ở Nhật Bản, việc mang hoa tai cho bé gái từ nhỏ là hoàn toàn không có. Hầu như các bé gái người Nhật mà tôi đã gặp qua hoàn toàn không mang hoa tai, và không có cả lỗ đã bấm. Khi hỏi anh chồng người Nhật của tôi thì anh ấy cũng nói tương tự, ở Nhật việc mang hoa tai thường không được phổ biến ở trường học, một số trường học còn cấm học sinh nữ mang hoa tai. Việc mang tai thường chỉ bắt gặp ở các chị em đang đi làm hoặc không còn đi học nữa.

  Nhóm máu

Khi bị hỏi nhóm máu gì, tôi đã đứng hình vài giây, không phải để nhớ ra mình thuộc nhóm máu gì mà là tại sao lại bị hỏi vậy…

Người Nhật rất quan trọng nhóm máu. Nói là nhóm máu quyết định tính cách con người tuy nhiên gần đây cũng ít người Nhật hỏi người nước ngoài về nhóm máu.

Ở Việt Nam thì việc nhóm máu có quyết định tính cách con người hay không thì không quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là bạn nên biết nhóm máu của mình để trong trường hợp khẩn cấp như hiến máu hoặc mất máu, việc cho nhận máu sẽ nhanh nhẹn và hiệu quả hơn nếu bạn biết dòng máu nào đang chảy trong người bạn đúng không.

Lì xì ngày Tết

Phong tục này thì khỏi phải nói rồi, tôi dù đã gần 30 nhưng vẫn cứ mong Tết, vẫn cứ mong được lì xì… Và đó cũng là một trong những điều khiến người Nhật – gần nhất là anh chồng tôi cứ thắc mắc hoài.

Ở Nhật Bản, việc lì xì vào ngày Tết là có. Và đối tượng nhận lì xì chỉ là các cháu nhỏ. Việc con cái mừng tuổi ba mẹ, ông bà hay đồng nghiệp tặng lì xì may mắn trong ngày Tết khiến người Nhật chấm hỏi trong đầu rất nhiều 🙂

Để bạn dễ hình dung tại sao Nhật Bản không có phong tục mừng tuổi người lớn như ở Việt Nam thì, ở Nhật Bản việc cho tiền người lớn tuổi hơn được xem là thất lễ. Đương nhiên trừ trường hợp con cái phụ giúp tiền cơm hay hỗ trợ hàng tháng cho bố mẹ thì không nói, vậy nên các dịp lễ tết, việc nhận được bao lì xì ở Nhật Bản có lẽ vẫn mãi là niềm mong chờ của trẻ nhỏ mà thôi.

Cơm và canh

Gia đình tôi có thói quen như thế này (và có lẽ nhiều gia đình khác cũng vậy), trong lúc ăn cơm, tôi thường chang thêm nước canh vào trộn lên rồi vừa ăn vừa húp. Vừa dễ nuốt vừa ngon miệng.

Thật ra thì cách ăn này theo khoa học thì không tốt cho tiêu hóa, và người Nhật thì hoàn toàn không ăn theo cách này. Họ cho rằng cơm trộn chung với canh là đồ ăn dành cho mèo. Canh/soup miso trong bữa ăn của người Nhật thường sẽ được uống cuối cùng bằng đôi đũa khuấy nhẹ.

Kết

Còn nhiều điểm khác biệt thú vị nữa nhưng tôi chưa thể nhớ ra hết. Những điểm khác biệt này thật sự làm tôi ngạc nhiên khi thực tế đang chung sống với một người Nhật Bản. Tôi có thể cảm giác nó hàng ngày và dần dần quen được và xem nó như một điều hiển nhiên – điều mà tôi vẫn cứ thắc mắc lúc còn là sinh viên.